CHECKLIST CHO DU HỌC SINH LẦN ĐẦU ĐẾN CANADA

30 Tháng 7 5100 Views

★ ━━ MỤC LỤC BÀI VIẾT ━━ ★


    1.Lấy Study Permit

    Study Permit là giấy phép cho phép du học sinh được cư trú và học tập hợp pháp tại Canada. Cầm tờ giấy này trong tay, bạn được phép ở lại Canada thêm 90 ngày sau khi visa hết thời hạn. Một số người thường nhầm lẫn giữa Visa và Study Permit. Hiểu đơn giản thì Visa là giấy thông hành cho phép bạn được nhập cảnh Canada, còn Study Permit là giấy phép để bạn ở lại Canada với mục đích cụ thể là học tập.

    Việc đầu tiên bạn cần làm khi đặt chân xuống sân bay là lấy Study Permit trong quá trình làm hồ sơ nhập cảnh tại Hải quan sân bay Canada. Tại đây nhân viên Hải quan sẽ hỏi một vài câu hỏi và yêu cầu xuất trình các giấy tờ cần thiết như Hộ chiếu, Letter of Introduction, LOA,...Vì thế hãy chắc chắn chuẩn bị các giấy tờ này sẵn sàng và đừng cho vào hành lý ký gửi. 

    2.Làm thủ tục lấy số SIN

    Số Bảo hiểm Xã hội (Social Insurance Number) hay số S.I.N rất cần thiết khi làm việc ở Canada để nhận các phúc lợi và dịch vụ từ các chương trình của chính phủ. Tốt nhất bạn nên đăng ký lấy số S.I.N trực tiếp tại văn phòng Service Canada sau khi nhận được study permit. Cho đến hiện tại thì đây vẫn là dịch vụ miễn phí và nên tranh thủ thực hiện trong ngày khi bạn đang mang theo đầy đủ giấy tờ. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nộp hồ sơ qua đường bưu điện nếu không thể đến văn phòng Dịch Vụ. 

    3.Nhận chỗ ở

    Sau 16 - 18h ngồi máy bay và vài tiếng làm hồ sơ nhập cảnh thì hẳn bạn đã khá mệt vậy nên hãy về chỗ ở của mình để sắp xếp đồ đạc và nghỉ ngơi. Sinh viên quốc tế khi du học đến Canada thường lựa chọn 3 loại nơi ở là ký túc xá, nhà thuê hoặc homestay. Nếu ở homestay thì bạn nên dành thời gian chào hỏi và trò chuyện với chủ nhà để được giới thiệu về các vật dụng, quy tắc hoặc đường xá xung quanh.

    4.Làm thủ tục nhập học

    Tuỳ theo chính sách của mỗi trường, bạn có thể chọn đăng ký nhập học tại văn phòng trường hoặc đăng ký online qua student ID. Trang web của trường thông thường cũng sẽ hướng dẫn đầy đủ các quy trình và giấy tờ nhập học cần thiết. Nếu muốn được hỗ trợ kỹ càng hơn và giải đáp một số thắc mắc về trường thì bạn nên chọn làm hồ sơ tại văn phòng trường. Đồng thời có thể thăm quan các phòng ban, lớp học và được giới thiệu về một số hoạt động thường nhật, dịch vụ của trường,...

    5.Mở tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng

    Nếu du học theo diện miễn chứng minh tài chính SDS thì bạn có thể chọn luôn Scotiabank để lập tài khoản ngân hàng vì trước đó bạn đã đóng 10,000CAD để mua chứng nhận đầu tư đảm bảo (GIC). Hoặc mở thẻ tại bất kỳ ngân hàng nào có chính sách phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của bản thân nên ưu tiên chọn những ngân hàng gần nhà để thuận tiện di chuyển.

    Hầu hết các giao dịch mua bán tại Canada đều có thể thực hiện bằng thẻ tín dụng vì thế hãy cân nhắc sở hữu cho mình một chiếc. Scotiabank Scene Visa, Student - BMO Cash Back MasterCard, BMO Air Miles MasterCard chính là 3 sự lựa chọn mà bạn không thể bỏ qua nếu có nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng. Vừa không mất phí quản lý hàng năm mà còn nhận được rất nhiều ưu đãi hoàn tiền và điểm thưởng nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng mà không lo vấn đề chi phí.

    6.Mua sim điện thoại

    Hãy nhanh chóng mua sim điện thoại và đăng ký 3G để tiện liên lạc hay tra cứu thông tin khi cần thiết. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà bạn lựa chọn gói cước thích hợp. Mỗi nhà mạng khác nhau sẽ có những ưu điểm riêng dành cho các nhóm đối tượng khách hàng. Trước khi sang Canada các bạn có thể tham khảo các website của các nhà mạng như Bell.ca, Fido.ca, Windmobile.ca,… và một số nhà mạng khác. Gói cước rẻ nhất và được nhiều học sinh sử dụng là 40CAD/tháng bao gồm mạng của Chart. 

    7.Tham quan thành phố

    Cuối cùng, dành một chút thời gian để khám phá đất nước mà bạn sắp sinh sống và làm quen với các phương tiện giao thông, đường đi. Không chỉ giúp bạn hiểu thêm về văn hoá, phong cách sống của người bản địa mà còn có thể làm quen được bạn bè. Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu về các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm mua sắm quanh nhà để có thể mua những đồ dùng cần thiết cho bản thân 1 cách chính xác và nhanh chóng. Du học sinh thường đi chợ 1-2 lần/ tuần để tiết kiệm thời gian. Đừng ngần ngại hỏi chủ nhà hoặc những người xung quanh để được chỉ dẫn những vật dụng cần mua và nơi để mua chúng.

    Sự kiện